Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Ghe bầu Duy Xuyên

Ghe bầu Duy Xuyên cùng với các vùng Hội An, Tam Kỳ… đã góp phần tạo nên danh xưng ghe bầu Quảng Nam nổi tiếng một thời trong lịch sử thương mại Việt Nam. Trong đó, nhờ vị trí thuận lợi,
Ghe bầu Duy Xuyên đã tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc. Ở Duy Xuyên, nói đến ghe bầu phải nói đến ghe bầu Bàn Thạch, sau đó là Hồng Triều. Bến sông Bàn Thạch sâu, ghe thuyền có trọng tải lớn dễ dàng cập bến. Hơn thế nữa, sát bên sông là chợ Bàn Thạch, với vị trí địa lý thuận lợi, trở thành chợ lớn của Quảng Nam, nên cũng thu hút khá đông khách buôn nội, ngoại tỉnh. Theo ký ức của các cụ cao tuổi thì vẫn có ghe buôn ở Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Bình Định, Quảng Ngãi... và có cả ghe bầu tận Sài Gòn ra Bàn Thạch theo mùa ghé vào bỏ hàng, mua hàng.
Là chợ lớn nên ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Bàn Thạch đã xuất hiện nhiều hộ giàu có, dư của ăn của để như các ông Trưởng Sử, Chánh Hàn, Viên Nhiễu, Thông Năm, bà Hai Hoanh,... Họ đều sắm ghe bầu riêng, sẵn sàng chở hàng đi các nơi khi cần thiết. Riêng ông Trưởng Sử, người họ Võ, có bài vè mô tả về sự giàu có rằng: “Tiếng đồn Trưởng Sử ở tại Thạch Bàn/ Ruộng dư trăm mẫu bạc vàng đầy kho/ Ghe bầu năm chiếc thật to/ Nhà ngói năm bảy dãy, trâu bò chín mười đôi...”.
Tuy cùng có ghe bầu, nhưng mỗi người có thế mạnh riêng, kinh doanh trên một số lĩnh vực nhất định. Như bà Hai Hoanh mạnh về kinh doanh nước mắm; ông Viên Nhiễu chủ yếu mặt hàng chiếu cói; ông Chánh Hàn buôn nhiều thứ, từ nước mắm đến bán gạo bắp, chiếu lác, vải vóc và một số mặt hàng khác.
Ở Hồng Triều, có ghe bầu của các ông Cửu Lực, Lê Khanh, Lê Hiên, Nguyễn Hoàng… Trong đó, người nhiều ghe bầu nhất là ông Cửu Lực với hai chiếc. Tương truyền, ông vừa làm nông vừa buôn bán, đầu tiên sắm ghe nhỏ, sau sắm ghe lớn hơn. Ghe bầu, ngoài 6 chiếc của người địa phương, còn có nhiều chiếc từ các nơi khác, nhất là các tỉnh miền trong như Bình Định, Phan Thiết... đậu chật cả bến sông.
Ghe bầu Duy Xuyên xưa tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc. Ghe bầu buôn bán tuyến Bắc có ghe của ông Cửu Cử, người Duy Hải, rất giàu, có đến ba chiếc ghe bầu. Sinh thời, ông bỏ tiền ra mua chức cửu phẩm nên mọi người gọi ông là Cửu Cử. Nhiều người còn nhớ, hồi cuối thập kỷ 1930, trong một chuyến chở gạo ra bán ở thị trường Nam Định, thật xui xẻo khi ghe ông bị bão đánh chìm. Bấy giờ, ghe ông Cửu Cử vào mua gạo ở Sài Gòn, rồi chở ra bán ở Quảng Nam có, các tỉnh phía Bắc có. 
 Phần đông ghe bầu Duy Xuyên buôn bán phía Nam, mỗi năm “hành phương Nam” một chuyến, kéo dài đến bảy, tám tháng. Thường thì ghe bắt đầu xuất phát từ tháng 11 âm lịch và đến tháng 7 sang năm mới trở lại Quảng Nam.
 Về mặt hàng mua bán cũng khá đa dạng. Mặt hàng đi, chủ yếu là đường bát, khi vào các tỉnh miền trong bán rất chạy. Ngoài đường bát, còn có mê ghe (đan bằng tre, người ta mua về lận thêm vành thành chiếc ghe), được sản xuất chủ yếu ở vùng Trà Nhiêu, nay thuộc xã Duy Vinh. Rồi đến mặt hàng đá giã, tức loại đá làm chì lưới, có lỗ ở giữa để cột vào lưới khi đi đánh cá. Kế đến là đá làm mỏ neo, cối giã tiêu… Đây là những mặt hàng chủ ghe lấy ở làng đá nổi tiếng Non Nước.
Hàng về phổ biến nhất là gạo, mắm cái... Trong đó, mặt hàng mắm cái không dễ mua, phải chờ lúc có cá mới muối. Ngày trước, người ta mua cá ở Phan Rí, Phan Thiết, muối trong những thùng gỗ. Cá nhiều, muối chủ yếu là cá nục, cá cơm than, vừa rẻ, vừa tươi. Giá muối cũng không đắt. Cho nên, muối cá xong, chở về Quảng Nam bán rất có lời. Có như thế, chủ ghe mới có đủ chi phí trả cho thủy thủ, ông biện (người có trách nhiệm quản lý, chi tiền trong suốt quãng đường đi về), và có tiền lời, tiền khấu hao tài sản này nọ.
Trong ký ức của lớp người cao tuổi thì ngày trước các bến sông Hồng Triều, Bàn Thạch rất náo nhiệt, nhất là khi có các đoàn ghe bầu Quảng Nam và các tỉnh cập bến bán hàng, ăn hàng. Vì thế, ngay bến sông đều có chợ. Trong đó chợ Hồng Triều chủ yếu bán thức ăn, đồ uống như mì Quảng, bún, cơm, thịt… Thủy thủ ghe bầu và thương lái khi ghé bến Hồng Triều mua gạo, muối, mắm đều lên chợ ăn cho no để lại sức trước khi chèo ghe về. Bên cạnh đó, khách của những quán ăn bến Hồng Triều còn là cư dân làng vạn Nồi Rang ở Duy Nghĩa. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ghe bầu Quảng Nam không còn hoạt động. Chợ Hồng Triều cũng theo đó tan rã.
PHẠM TIẾN MINH ĐẠT nguồn: DuyXuyenOnline 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét