Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

CHUYỆN CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG



Cô Phạm Thị Ngọc Thúy - nguyên là giáo viên trường Trung học cơ sở Chu Văn An, Thị trấn Nam Phước (nay đã nghỉ hưu và sinh sống tại thôn Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) luôn “nặng nợ” với công việc xã hội, gắn bó với hoạt động khuyến học, nhân đạo từ thiện nhằm giúp đỡ các em học sinh, sinh viên là con em những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống có điều kiện để tiếp tục theo học, thực hiện ước mơ và hoài bảo của mình. Nhiều người đã ví: “Cô Thúy là người viết nên những chuyện cổ tích trong đời thường”!
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng tình yêu nghề nghiệp, tình cảm và trách nhiệm với các em học trò nghèo khó của cô Thúy không những không suy giảm mà ngày càng lớn hơn. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng (Từ 1978 đến 2009), cô Phạm Thị Ngọc Thúy luôn quan tâm sẻ chia, giúp đỡ các đối tượng học sinh nghèo với nhiều hình thức, nhất là động viên về tinh thần, vật chất để các em cố gắng vươn lên đạt nhiều kết quả tốt trong học tập, xóa dần mặc cảm tự ti trong cuộc sống. Là giáo viên Văn, cô Thúy thường nói: “Dạy văn là dạy nhân cách làm người, nhưng nhân cách làm người ấy phải để cho các em cảm nhận được bằng chính công việc làm của chúng ta trước mắt các em”!
        Cô Thúy tâm sự: “Cứ mỗi lần tôi đem đến niềm vui cho ai lòng tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi có cảm giác tôi làm cho tôi chứ không phải làm cho mọi người. Ngay trong những ngày tháng đang giảng dạy tôi thấy những em học sinh nghèo, những em học sinh khó khăn tôi rất thương và chăm lo cho các em. Sau khi các em ra trường thì chính các em đó lại trở về với tôi nhiều, với quê hương nhiều. Có lẽ đó cũng là niềm vui của tôi và tôi nghĩ “Cho là nhận”. Khi mình cho ai một điều gì đó chứng tỏ là mình đang được nhận. Nhiều người  nói rằng có phải có tiền mới làm từ thiện không? Tôi nghĩ một lời nói, một suy nghĩ, một cuộc viếng thăm đó cũng là sự chia sẻ, nếu nói lớn hơn là đang làm việc thiện. Nhưng thực ra mọi người đều có cái để cho nhưng không biết mình có cái để cho mà thôi”.
 Thời còn đi dạy học, kinh tế gia đình rất khó khăn song cô Thúy vẫn chắc bóp từng đồng trong chi tiêu để đóng học phí giúp cho em Bê, đan áo ấm cho em Hùng là những học sinh nghèo khó, mồ côi cha mẹ. Cô đã mở và duy trì lớp học tình thương từ 20 đến 30 em học sinh nghèo, học lực yếu để bổ trợ những kiến thức bị hụt hẫng, giúp các em có điều kiện tiếp thu bài mới và vươn lên học tốt. Công việc tuy rất bận rộn nhưng cô vẫn dành thời gian để tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ phương tiện, điều kiện học tập cho học sinh nghèo từ các tổ chức, cá nhân có hảo tâm trong và ngoài huyện. Hàng trăm em học sinh nghèo nhờ đó đã nhận học bổng, xe đạp, áo quần để có điều kiện tiếp tục đến trường, nhiều em có điều kiện vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng từ những nguồn hỗ trợ của xã hội như vậy. Em Nguyễn Ngọc Sang - sinh viên lớp 08T2 trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng, lúc nhận giấy báo trúng tuyển với số điểm 27,5 cũng là lúc em cảm thấy bế tắt nhất. Hết cha rồi đến mẹ thay nhau ngã bệnh, nhà vốn đã nghèo khó nay lại càng túng quẩn hơn. Cái túng quẩn ấy từng ngày, từng giờ xóa nhòa đi ước mơ trở thành kỹ sư máy tính của Sang. Cô Thúy đã đến động viên, an ủi và giúp Sang có tiền nhập học. Cô còn đưa luôn chiếc xe máy của mình để Sang đi dạy kèm kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày, đồng thời tích cực tìm kiếm nhà hảo tâm để tặng học bổng cho em. Em Nguyễn Hoàng Ngọc Phượng, số nhà 9/18, đường Ngô Hà, Phường Thủy Biều, thành phố Huế (hiện đang học lớp 8), mẹ em bị gù lưng nhưng vừa phải nuôi bà ngoại bị mù, vừa nuôi em ăn học nên đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Nghe được thông tin ấy, cô Thúy lại tiếp tục lặn lội đi tìm nguồn tài trợ. Hiện nay em được trợ giúp mỗi năm học 200 USD và 200 ngàn đồng/tháng từ Bác Sỹ Thảo (Phòng Khám đa khoa An Phước, Duy Xuyên). Em Trần Thị Lệ Hoa (học sinh lớp 11/6, trường Trung học phổ thông Sào Nam, Duy Xuyên) mẹ mất, cha tật nguyền, ông bà nội già yếu, ốm đau liên tục cũng được cô Thúy tìm được nhà hảo tâm giúp đỡ cho em ăn học đến đại học.
       “Cô Thúy đã khơi nguồn ước mơ cho chúng con, giúp chúng con có thêm sức mạnh để vững bước trên con đường học vấn của mình”. Đó là lời tri ân của một người học trò được cô Thúy giúp đỡ. Không chỉ trải lòng với học trò mà nhiều cháu bé tật nguyền đã được cô Thúy tích cực tìm nhà tài trợ để phẩu thuật, trả lại dáng hình vẹn nguyên, bình thường để các cháu được sống một cuộc đời khỏe mạnh. Cháu Nguyễn Văn Nam (khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước,  Duy Xuyên) sinh ra không có hậu môn. Qua một lần phẩu thuật tại Đà Nẵng nhưng không thành công, cuộc sống của em và gia đình vô cùng khó khăn. Nghe tin này, cô Thúy đã tìm nhà tài trợ rồi đưa Nam vào thành phố Hồ Chí Minh phẩu thuật đặt hậu môn nhân tạo xuống đường dưới. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung (Bố mẹ em Nam) mỉm cười hạnh phúc, khoe: “Thằng bé bây giờ đã như người bình thường, không phải lớn lên trong sự mặc cảm vì khuyết tật nữa”. Hôm chúng tôi đi cùng cô Thúy đến nhà thăm, bé Nam ôm “Bà Thúy” thỏ thẻ: “Hôm nay con đã hết bệnh, con cảm ơn bà Thúy, sau này lớn lên con sẽ đền ơn bà Thúy”.
        Tháng 10 năm 2011, qua báo, đài, cô Phạm Thị Ngọc Thúy biết thông tin về vợ chồng chị Ngô Thị Thuận 38 tuổi, trú thôn Phú Đông, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn bị tai nạn giao thông. Chồng chị Thuận là anh Thái Thanh Thành chết tại chỗ, còn chị Thuận thì bị dập nát chân trái phải cắt bỏ. Chị Thuận xuất viện về nhà nhưng vết thương còn đau nhức liên tục, chị Thúy đã tìm đến Phòng khám Gia Đình (số 73, Nguyễn Hữu Thọ, Đà Nẵng) để xin các Bác sỹ tiếp tục điều trị bệnh bệnh miễn phí cho chị Thuận và được các bác sĩ đồng ý điều trị cho đến khi vết thương lành hẳn. Những tưởng thế là xong, song cô Thúy vẫn còn trăn trở mãi với hoàn cảnh của 4 đứa con còn tuổi ăn học của chị Thuận, chúng sẽ ra sao khi cha chết, mẹ tàn phế? Thế là chị lặng lội đi tìm những tấm lòng nhân ái để giúp chị Thuận có việc làm phù hợp với sức khỏe để có tiền nuôi 4 đứa con. Cơ sở Thêu xuất khẩu ở thành phố Tam Kỳ đã nhận lời đến dạy thêu và đưa hàng đến tận nhà để giúp chị Thuận làm việc. Một tổ chức từ thiện cũng nhận tài trợ học bổng cho em Thái Thị Hoài Thương - con thứ hai của chị Thuận (hiện đang học lớp 7) mỗi năm 200 USD đến hết đại học. Chị Ngô Thị Thuận nghẹn ngào nói: “Khi em không còn tìm được niềm tin trong cuộc sống thì được cô Thúy tới động viên. Cô Thúy có nói là làm chi cũng có nhà hảo tâm tài trợ cho em nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi, đến chốn. Em đừng lo, cố gắng vượt qua hoàn cảnh, đừngbuông xuôi mà tội cho mấy đứa con. Có khi trời mưa tầm tã, cô Thúy vào nhà mà quần áo ước đẫm nước, em nhìn thấy rất xúc động! Cô Thúy chỉ là người dưng thôi mà sao lại sẻ chia tất cả mọi điều bất hạnh đối với gia đình em như vậy”!
       Cô Phạm Thị Ngọc Thúy hiện nay là Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Nam Phước. Trong hai năm 2010 và 2011, cô đã đi vận động các tổ chức, cá nhân được số tiền 250 triệu đồng để làm công tác khuyến học, giúp đỡ cho học sinh nghèo có ý chí vươn lên trong học tập. Cô Thúy còn là người có công rất lớn trong việc sáng lập “Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo” theo chủ trương của huyện từ tháng 8 năm 2010. Với vai trò là Giám đốc, cô Thúy đã được các doanh nhân hảo tâm, nhất là những học trò cũ của mình gởi tiền về tham gia ủng hộ xây dựng quỹ với hơn 1 tỷ đồng. 900 triệu đồng đã giải quyết cho sinh viên nghèo vay không lãi trong thời hạn từ 2 năm đến 5 năm. Đồng chí Trần Văn Minh - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Duy Xuyên đã nói: “Cô Thúy rất nhiệt huyết với hoạt động khuyến học, khuyến tài, cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ bằng tất cả những gì mình có thể các cháu gia đình nghèo được tiếp tục đi học và vươn lên học giỏi. Tận tụy với công việc, luôn thương yêu giúp đỡ mọi người nên ai ai cũng thương yêu, tin tưởng và sẵn sàng cộng đồng trách nhiệm. Cô Thúy là tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác”. Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Quảng Nam, hội Khuyến học huyện Duy Xuyên đã tặng nhiều giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài và công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

        Cô Phạm Thị Ngọc Thúy là tấm gương sáng hết lòng vì mọi người, sẻ chia với những hoàn cảnh bất hạnh bằng cả tấm lòng thật đáng khâm phục. Đời sống kinh tế ngày một chuyển biến tích cực hơn song cũng để lại những tác động mặt trái không nhỏ đối với xã hội, nhất là trong lĩnh vực đạo đức. Cô Thúy đã viết lên những chuyện cổ tích giữa đời thường, thắp sáng ngọn lửa nhân ái, lòng nhiệt tình để cùng mọi người chung tay sẻ chia, xoa dịu nỗi đau trong xã hội. Chắc chắn cuộc sống sẽ đẹp hơn khi ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng như cô Thúy!

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ XÂY DỰNG TRƯỜNG CHUẨN Ở TRƯỜNG TH DUY THU



Trường tiều học Duy Thu thuộc xã Duy Thu, một xã nông thôn nằm ở địa đầu của huyện về phía Tây. Đại bộ phận phụ huynh học sinh sống bằng nông nghiệp nên đời sống kinh tế rất khó khăn. Điều kiện học tập, các phương tiện vui chơi giải trí, ... phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và xã hội hóa trong xây dựng trường, lớp vô cùng thiếu thốn và bất cập. Từ những năm học 2006 - 2007 trở về trước, mặc dù đội ngũ giáo viên của nhà trường luôn có tâm huyết với nghề và có nhiều sáng kiến nhằm từng bước khắc phục những khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học nhưng chất lượng giáo dục hằng năm của trường chỉ nằm ở vị thứ 20 hoặc 21 trên tổng số 21 trường tiểu học toàn huyện. Nguyên nhân và biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh luôn là câu hỏi lớn và là nổi băn khoăn, trăn trở của chi bộ Đảng, Ban Giám hiệu, các đoàn thể, Hội đồng sư phạm, các thầy cô giáo trong nhà trường.

Quang cảnh của Trường TH Duy Thu

Khi Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị, nhất là các nội dung về: Nâng cao đạo đức cách mạng, sửa đổi lề lối làm việc, ... được triển khai thực hiện mạnh mẽ trong toàn huyện, Chi bộ Đảng đã cùng với Ban Giám hiệu và các tổ chức đoàn thể nhà trường đã tiến hành phân tích, tìm hiểu kỹ hơn những nguyên nhân tồn tại, hạn chế ở từng cá nhân, tổ chức, từ đó xây dựng biện pháp khắc phục hữu hiệu nhằm tạo bước đột phá trong mọi hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy xã, Phòng Giáo dục đào tạo và các các đoàn thể huyện, đặc biệt là Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng và nâng cao chất lượng giáo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” với mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo” và tình hình thực tế của nhà trường, chi bộ Đảng, Ban Giám hiệu đã xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi của nhà trường từ năm học 2008 - 2009 trở về sau là việc nâng cao hiệu quả công tác dạy và học, trong đó vai trò, trách nhiệm của thầy, cô giáo phải được phát huy mạnh mẽ, làm động lực thúc đẩy các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trước mắt, tập trung xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo vững về chính trị, mạnh về chuyên môn, đây vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện để thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đã xác định.
Từ chỗ phân tích, xác định đúng những điểm mạnh, điểm yếu của nhà trường, Ban Giám hiệu đã tập trung vào việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ bằng các biện pháp chủ yếu như: Xây dựng tốt các mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ theo mục tiêu chung, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác phối kết hợp giữa các cấp lãnh đạo từ chuyên môn đến các đoàn thể, nhất là việc phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động nhằm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng nhà trường. Thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng về nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo cho các tổ chuyên môn, phân công phân nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng đối tượng để đánh giá đúng kết quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong phân công lao động, nhà trường luôn chú trọng đến việc sắp xếp, bố trí lao động theo đúng sở trường, sở đoản của từng người để phát huy thế mạnh của từng cán bộ, giáo viên, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng để từng người thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Tập trung nguồn lực cho việc mua sắm, nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học, nhất là việc giải quyết các chế độ chính sách cho giáo viên kịp thời và đúng qui định, chăm lo đời sống tinh thần cho để các thầy, cô giáo an tâm công tác, đẩy mạnh các phong trào thi đua. Bên cạnh đó, nhà trường cón tích cực tham mưu với Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể ở xã và ngành cấp trên của huyện để tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, đồng thời phát huy mạnh mẽ sự cộng đồng trách nhiệm của Hội cha mẹ học học sinh trong việc đầu tư, hỗ trợ và huy động sự đóng góp của cộng đồng trong việc nâng cao chất lượng học sinh.
Nhờ triển khai và thực hiện tốt các biện pháp đặt ra, trong 5 năm học qua (từ năm học 2007 - 2008 đến nay), chất lượng giáo dục của nhà trường đã có những bước tiến đáng kể qua từng năm học, được ngành cấp trên đánh giá cao và biểu dương ở từng năm học. Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng hằng năm đạt trên 95%, chất lượng mũi nhọn qua các kỳ thi học sinh giỏi đã tạo nên bước đột phá và ổn định qua nhiều năm, đã có các giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp huyện, cấp tỉnh, danh hiệu thi đua của giáo viên ngày càng đi vào nề nếp và tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Chi bộ Đảng từ năm 2008 đến nay luôn được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh. Công đoàn đã vươn lên được danh hiệu vững mạnh, riêng năm học 2011 - 2012 đạt danh hiệu xuất sắc. Liên đội đạt danh hiệu Tiên tiến, riêng năm học 2011 - 2012 đạt danh hiệu xuất sắc. 2 năm học gần đây, nhà trường được công nhận danh hiệu Tập thể Lao động Tiên tiến. Trong năm học 2011- 2012, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%, học sinh giỏi cấp huyện đạt 07 giải, xếp vị thứ 7/21 trường, đạt 01 giải vở sạch chữ đẹp cấp huyện, 06 thầy, cô giáo đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 11 thầy cô đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến.
Với những thắng lợi đạt được qua từng năm học, thầy, trò nhà trường đã nêu cao quyết tâm để tham mưu với địa phương và ngành cấp trên tiến hành xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia từ năm học 2007 - 2008. Song song với việc tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, nhà trường còn tập trung vào việc đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục. UBND huyện và Phòng Giáo dục Đào tạo đầu tư xây dựng 10 phòng học khang trang, 01 nhà vệ sinh cho học sinh, từng rào ở khu trường chính, 80 bộ bàn ghế rời (loại 02 chỗ ngồi) và một số hạng mục khác. Riêng về phía nhà trường và địa phương xã Duy Thu, tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng cũng đã huy động hơn 500 triệu đồng từ các nguồn: xây dựng cơ sở vật chất và cảnh quang sư phạm: 445 triệu đồng và khen thưởng là 56 triệu đồng, trong đó xã Duy Thu là 149 triệu đồng, Hội cha mẹ học sinh gần 124 triệu đồng, các nguồn huy động khác gần 252 triệu đồng. Một số tổ chức, cá nhân đã ở các nơi đã thông cảm với điều kiện của nhà trường đã hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất và khen thưởng học sinh. Sư cô Đồng Huy ở Vũng Tàu hỗ trợ 226 triệu đồng cho việc tu sửa, nâng cấp 04 phòng học, xây dựng 01 phòng nghỉ cho giáo viên, làm cổng sắt ở trường chính. Các ông Hồ Tấn Vinh, Đào Quang Sơn là những học sinh cũ của trường và ông Trương Quốc Lâm - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Duy Thu luôn hỗ trợ kinh phí khen thưởng hằng năm. Riêng trong năm học 2011 - 2012, UBND xã hỗ trợ 139 triệu đồng xây dựng phòng Truyền thống, các tổ chức đoàn thể ở địa phương huy động hơn 300 công lao động cải tạo mặt bằng, trồng hơn 1.000 m2 cỏ sân trường.

Đoàn Kiểm tra Công nhận trường TH Duy Thu đạt chuẩn

Với sự cố gắng không mệt mỏi trong 5 năm qua, nhà trường được Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Quảng Nam về kiểm tra và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào ngày 16 tháng 8 năm 2012. Đoàn Kiểm tra đánh giá cao sự nổ lực của nhà trường trong công tác vượt khó để thực hiện nhiệm vụ.
Kết quả đạt được của Trường tiểu học Duy Thu là một quá trình phấn đấu không ngừng trong điều kiện khó khăn của một địa phương địa đầu của huyện. Có được kết quả nầy, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương, cấp trên, còn phải ghi nhận sự tận tâm, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra của nhà trường như lời Bác dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Ghe bầu Duy Xuyên

Ghe bầu Duy Xuyên cùng với các vùng Hội An, Tam Kỳ… đã góp phần tạo nên danh xưng ghe bầu Quảng Nam nổi tiếng một thời trong lịch sử thương mại Việt Nam. Trong đó, nhờ vị trí thuận lợi,
Ghe bầu Duy Xuyên đã tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc. Ở Duy Xuyên, nói đến ghe bầu phải nói đến ghe bầu Bàn Thạch, sau đó là Hồng Triều. Bến sông Bàn Thạch sâu, ghe thuyền có trọng tải lớn dễ dàng cập bến. Hơn thế nữa, sát bên sông là chợ Bàn Thạch, với vị trí địa lý thuận lợi, trở thành chợ lớn của Quảng Nam, nên cũng thu hút khá đông khách buôn nội, ngoại tỉnh. Theo ký ức của các cụ cao tuổi thì vẫn có ghe buôn ở Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Bình Định, Quảng Ngãi... và có cả ghe bầu tận Sài Gòn ra Bàn Thạch theo mùa ghé vào bỏ hàng, mua hàng.
Là chợ lớn nên ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Bàn Thạch đã xuất hiện nhiều hộ giàu có, dư của ăn của để như các ông Trưởng Sử, Chánh Hàn, Viên Nhiễu, Thông Năm, bà Hai Hoanh,... Họ đều sắm ghe bầu riêng, sẵn sàng chở hàng đi các nơi khi cần thiết. Riêng ông Trưởng Sử, người họ Võ, có bài vè mô tả về sự giàu có rằng: “Tiếng đồn Trưởng Sử ở tại Thạch Bàn/ Ruộng dư trăm mẫu bạc vàng đầy kho/ Ghe bầu năm chiếc thật to/ Nhà ngói năm bảy dãy, trâu bò chín mười đôi...”.
Tuy cùng có ghe bầu, nhưng mỗi người có thế mạnh riêng, kinh doanh trên một số lĩnh vực nhất định. Như bà Hai Hoanh mạnh về kinh doanh nước mắm; ông Viên Nhiễu chủ yếu mặt hàng chiếu cói; ông Chánh Hàn buôn nhiều thứ, từ nước mắm đến bán gạo bắp, chiếu lác, vải vóc và một số mặt hàng khác.
Ở Hồng Triều, có ghe bầu của các ông Cửu Lực, Lê Khanh, Lê Hiên, Nguyễn Hoàng… Trong đó, người nhiều ghe bầu nhất là ông Cửu Lực với hai chiếc. Tương truyền, ông vừa làm nông vừa buôn bán, đầu tiên sắm ghe nhỏ, sau sắm ghe lớn hơn. Ghe bầu, ngoài 6 chiếc của người địa phương, còn có nhiều chiếc từ các nơi khác, nhất là các tỉnh miền trong như Bình Định, Phan Thiết... đậu chật cả bến sông.
Ghe bầu Duy Xuyên xưa tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc. Ghe bầu buôn bán tuyến Bắc có ghe của ông Cửu Cử, người Duy Hải, rất giàu, có đến ba chiếc ghe bầu. Sinh thời, ông bỏ tiền ra mua chức cửu phẩm nên mọi người gọi ông là Cửu Cử. Nhiều người còn nhớ, hồi cuối thập kỷ 1930, trong một chuyến chở gạo ra bán ở thị trường Nam Định, thật xui xẻo khi ghe ông bị bão đánh chìm. Bấy giờ, ghe ông Cửu Cử vào mua gạo ở Sài Gòn, rồi chở ra bán ở Quảng Nam có, các tỉnh phía Bắc có. 
 Phần đông ghe bầu Duy Xuyên buôn bán phía Nam, mỗi năm “hành phương Nam” một chuyến, kéo dài đến bảy, tám tháng. Thường thì ghe bắt đầu xuất phát từ tháng 11 âm lịch và đến tháng 7 sang năm mới trở lại Quảng Nam.
 Về mặt hàng mua bán cũng khá đa dạng. Mặt hàng đi, chủ yếu là đường bát, khi vào các tỉnh miền trong bán rất chạy. Ngoài đường bát, còn có mê ghe (đan bằng tre, người ta mua về lận thêm vành thành chiếc ghe), được sản xuất chủ yếu ở vùng Trà Nhiêu, nay thuộc xã Duy Vinh. Rồi đến mặt hàng đá giã, tức loại đá làm chì lưới, có lỗ ở giữa để cột vào lưới khi đi đánh cá. Kế đến là đá làm mỏ neo, cối giã tiêu… Đây là những mặt hàng chủ ghe lấy ở làng đá nổi tiếng Non Nước.
Hàng về phổ biến nhất là gạo, mắm cái... Trong đó, mặt hàng mắm cái không dễ mua, phải chờ lúc có cá mới muối. Ngày trước, người ta mua cá ở Phan Rí, Phan Thiết, muối trong những thùng gỗ. Cá nhiều, muối chủ yếu là cá nục, cá cơm than, vừa rẻ, vừa tươi. Giá muối cũng không đắt. Cho nên, muối cá xong, chở về Quảng Nam bán rất có lời. Có như thế, chủ ghe mới có đủ chi phí trả cho thủy thủ, ông biện (người có trách nhiệm quản lý, chi tiền trong suốt quãng đường đi về), và có tiền lời, tiền khấu hao tài sản này nọ.
Trong ký ức của lớp người cao tuổi thì ngày trước các bến sông Hồng Triều, Bàn Thạch rất náo nhiệt, nhất là khi có các đoàn ghe bầu Quảng Nam và các tỉnh cập bến bán hàng, ăn hàng. Vì thế, ngay bến sông đều có chợ. Trong đó chợ Hồng Triều chủ yếu bán thức ăn, đồ uống như mì Quảng, bún, cơm, thịt… Thủy thủ ghe bầu và thương lái khi ghé bến Hồng Triều mua gạo, muối, mắm đều lên chợ ăn cho no để lại sức trước khi chèo ghe về. Bên cạnh đó, khách của những quán ăn bến Hồng Triều còn là cư dân làng vạn Nồi Rang ở Duy Nghĩa. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ghe bầu Quảng Nam không còn hoạt động. Chợ Hồng Triều cũng theo đó tan rã.
PHẠM TIẾN MINH ĐẠT nguồn: DuyXuyenOnline