Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

CHUYỆN CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG



Cô Phạm Thị Ngọc Thúy - nguyên là giáo viên trường Trung học cơ sở Chu Văn An, Thị trấn Nam Phước (nay đã nghỉ hưu và sinh sống tại thôn Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) luôn “nặng nợ” với công việc xã hội, gắn bó với hoạt động khuyến học, nhân đạo từ thiện nhằm giúp đỡ các em học sinh, sinh viên là con em những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống có điều kiện để tiếp tục theo học, thực hiện ước mơ và hoài bảo của mình. Nhiều người đã ví: “Cô Thúy là người viết nên những chuyện cổ tích trong đời thường”!
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng tình yêu nghề nghiệp, tình cảm và trách nhiệm với các em học trò nghèo khó của cô Thúy không những không suy giảm mà ngày càng lớn hơn. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng (Từ 1978 đến 2009), cô Phạm Thị Ngọc Thúy luôn quan tâm sẻ chia, giúp đỡ các đối tượng học sinh nghèo với nhiều hình thức, nhất là động viên về tinh thần, vật chất để các em cố gắng vươn lên đạt nhiều kết quả tốt trong học tập, xóa dần mặc cảm tự ti trong cuộc sống. Là giáo viên Văn, cô Thúy thường nói: “Dạy văn là dạy nhân cách làm người, nhưng nhân cách làm người ấy phải để cho các em cảm nhận được bằng chính công việc làm của chúng ta trước mắt các em”!
        Cô Thúy tâm sự: “Cứ mỗi lần tôi đem đến niềm vui cho ai lòng tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi có cảm giác tôi làm cho tôi chứ không phải làm cho mọi người. Ngay trong những ngày tháng đang giảng dạy tôi thấy những em học sinh nghèo, những em học sinh khó khăn tôi rất thương và chăm lo cho các em. Sau khi các em ra trường thì chính các em đó lại trở về với tôi nhiều, với quê hương nhiều. Có lẽ đó cũng là niềm vui của tôi và tôi nghĩ “Cho là nhận”. Khi mình cho ai một điều gì đó chứng tỏ là mình đang được nhận. Nhiều người  nói rằng có phải có tiền mới làm từ thiện không? Tôi nghĩ một lời nói, một suy nghĩ, một cuộc viếng thăm đó cũng là sự chia sẻ, nếu nói lớn hơn là đang làm việc thiện. Nhưng thực ra mọi người đều có cái để cho nhưng không biết mình có cái để cho mà thôi”.
 Thời còn đi dạy học, kinh tế gia đình rất khó khăn song cô Thúy vẫn chắc bóp từng đồng trong chi tiêu để đóng học phí giúp cho em Bê, đan áo ấm cho em Hùng là những học sinh nghèo khó, mồ côi cha mẹ. Cô đã mở và duy trì lớp học tình thương từ 20 đến 30 em học sinh nghèo, học lực yếu để bổ trợ những kiến thức bị hụt hẫng, giúp các em có điều kiện tiếp thu bài mới và vươn lên học tốt. Công việc tuy rất bận rộn nhưng cô vẫn dành thời gian để tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ phương tiện, điều kiện học tập cho học sinh nghèo từ các tổ chức, cá nhân có hảo tâm trong và ngoài huyện. Hàng trăm em học sinh nghèo nhờ đó đã nhận học bổng, xe đạp, áo quần để có điều kiện tiếp tục đến trường, nhiều em có điều kiện vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng từ những nguồn hỗ trợ của xã hội như vậy. Em Nguyễn Ngọc Sang - sinh viên lớp 08T2 trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng, lúc nhận giấy báo trúng tuyển với số điểm 27,5 cũng là lúc em cảm thấy bế tắt nhất. Hết cha rồi đến mẹ thay nhau ngã bệnh, nhà vốn đã nghèo khó nay lại càng túng quẩn hơn. Cái túng quẩn ấy từng ngày, từng giờ xóa nhòa đi ước mơ trở thành kỹ sư máy tính của Sang. Cô Thúy đã đến động viên, an ủi và giúp Sang có tiền nhập học. Cô còn đưa luôn chiếc xe máy của mình để Sang đi dạy kèm kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày, đồng thời tích cực tìm kiếm nhà hảo tâm để tặng học bổng cho em. Em Nguyễn Hoàng Ngọc Phượng, số nhà 9/18, đường Ngô Hà, Phường Thủy Biều, thành phố Huế (hiện đang học lớp 8), mẹ em bị gù lưng nhưng vừa phải nuôi bà ngoại bị mù, vừa nuôi em ăn học nên đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Nghe được thông tin ấy, cô Thúy lại tiếp tục lặn lội đi tìm nguồn tài trợ. Hiện nay em được trợ giúp mỗi năm học 200 USD và 200 ngàn đồng/tháng từ Bác Sỹ Thảo (Phòng Khám đa khoa An Phước, Duy Xuyên). Em Trần Thị Lệ Hoa (học sinh lớp 11/6, trường Trung học phổ thông Sào Nam, Duy Xuyên) mẹ mất, cha tật nguyền, ông bà nội già yếu, ốm đau liên tục cũng được cô Thúy tìm được nhà hảo tâm giúp đỡ cho em ăn học đến đại học.
       “Cô Thúy đã khơi nguồn ước mơ cho chúng con, giúp chúng con có thêm sức mạnh để vững bước trên con đường học vấn của mình”. Đó là lời tri ân của một người học trò được cô Thúy giúp đỡ. Không chỉ trải lòng với học trò mà nhiều cháu bé tật nguyền đã được cô Thúy tích cực tìm nhà tài trợ để phẩu thuật, trả lại dáng hình vẹn nguyên, bình thường để các cháu được sống một cuộc đời khỏe mạnh. Cháu Nguyễn Văn Nam (khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước,  Duy Xuyên) sinh ra không có hậu môn. Qua một lần phẩu thuật tại Đà Nẵng nhưng không thành công, cuộc sống của em và gia đình vô cùng khó khăn. Nghe tin này, cô Thúy đã tìm nhà tài trợ rồi đưa Nam vào thành phố Hồ Chí Minh phẩu thuật đặt hậu môn nhân tạo xuống đường dưới. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung (Bố mẹ em Nam) mỉm cười hạnh phúc, khoe: “Thằng bé bây giờ đã như người bình thường, không phải lớn lên trong sự mặc cảm vì khuyết tật nữa”. Hôm chúng tôi đi cùng cô Thúy đến nhà thăm, bé Nam ôm “Bà Thúy” thỏ thẻ: “Hôm nay con đã hết bệnh, con cảm ơn bà Thúy, sau này lớn lên con sẽ đền ơn bà Thúy”.
        Tháng 10 năm 2011, qua báo, đài, cô Phạm Thị Ngọc Thúy biết thông tin về vợ chồng chị Ngô Thị Thuận 38 tuổi, trú thôn Phú Đông, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn bị tai nạn giao thông. Chồng chị Thuận là anh Thái Thanh Thành chết tại chỗ, còn chị Thuận thì bị dập nát chân trái phải cắt bỏ. Chị Thuận xuất viện về nhà nhưng vết thương còn đau nhức liên tục, chị Thúy đã tìm đến Phòng khám Gia Đình (số 73, Nguyễn Hữu Thọ, Đà Nẵng) để xin các Bác sỹ tiếp tục điều trị bệnh bệnh miễn phí cho chị Thuận và được các bác sĩ đồng ý điều trị cho đến khi vết thương lành hẳn. Những tưởng thế là xong, song cô Thúy vẫn còn trăn trở mãi với hoàn cảnh của 4 đứa con còn tuổi ăn học của chị Thuận, chúng sẽ ra sao khi cha chết, mẹ tàn phế? Thế là chị lặng lội đi tìm những tấm lòng nhân ái để giúp chị Thuận có việc làm phù hợp với sức khỏe để có tiền nuôi 4 đứa con. Cơ sở Thêu xuất khẩu ở thành phố Tam Kỳ đã nhận lời đến dạy thêu và đưa hàng đến tận nhà để giúp chị Thuận làm việc. Một tổ chức từ thiện cũng nhận tài trợ học bổng cho em Thái Thị Hoài Thương - con thứ hai của chị Thuận (hiện đang học lớp 7) mỗi năm 200 USD đến hết đại học. Chị Ngô Thị Thuận nghẹn ngào nói: “Khi em không còn tìm được niềm tin trong cuộc sống thì được cô Thúy tới động viên. Cô Thúy có nói là làm chi cũng có nhà hảo tâm tài trợ cho em nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi, đến chốn. Em đừng lo, cố gắng vượt qua hoàn cảnh, đừngbuông xuôi mà tội cho mấy đứa con. Có khi trời mưa tầm tã, cô Thúy vào nhà mà quần áo ước đẫm nước, em nhìn thấy rất xúc động! Cô Thúy chỉ là người dưng thôi mà sao lại sẻ chia tất cả mọi điều bất hạnh đối với gia đình em như vậy”!
       Cô Phạm Thị Ngọc Thúy hiện nay là Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Nam Phước. Trong hai năm 2010 và 2011, cô đã đi vận động các tổ chức, cá nhân được số tiền 250 triệu đồng để làm công tác khuyến học, giúp đỡ cho học sinh nghèo có ý chí vươn lên trong học tập. Cô Thúy còn là người có công rất lớn trong việc sáng lập “Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo” theo chủ trương của huyện từ tháng 8 năm 2010. Với vai trò là Giám đốc, cô Thúy đã được các doanh nhân hảo tâm, nhất là những học trò cũ của mình gởi tiền về tham gia ủng hộ xây dựng quỹ với hơn 1 tỷ đồng. 900 triệu đồng đã giải quyết cho sinh viên nghèo vay không lãi trong thời hạn từ 2 năm đến 5 năm. Đồng chí Trần Văn Minh - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Duy Xuyên đã nói: “Cô Thúy rất nhiệt huyết với hoạt động khuyến học, khuyến tài, cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ bằng tất cả những gì mình có thể các cháu gia đình nghèo được tiếp tục đi học và vươn lên học giỏi. Tận tụy với công việc, luôn thương yêu giúp đỡ mọi người nên ai ai cũng thương yêu, tin tưởng và sẵn sàng cộng đồng trách nhiệm. Cô Thúy là tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác”. Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Quảng Nam, hội Khuyến học huyện Duy Xuyên đã tặng nhiều giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài và công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

        Cô Phạm Thị Ngọc Thúy là tấm gương sáng hết lòng vì mọi người, sẻ chia với những hoàn cảnh bất hạnh bằng cả tấm lòng thật đáng khâm phục. Đời sống kinh tế ngày một chuyển biến tích cực hơn song cũng để lại những tác động mặt trái không nhỏ đối với xã hội, nhất là trong lĩnh vực đạo đức. Cô Thúy đã viết lên những chuyện cổ tích giữa đời thường, thắp sáng ngọn lửa nhân ái, lòng nhiệt tình để cùng mọi người chung tay sẻ chia, xoa dịu nỗi đau trong xã hội. Chắc chắn cuộc sống sẽ đẹp hơn khi ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng như cô Thúy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét